Những năm qua, hoạt động thương mại, dịch vụ (TM, DV) trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định và có sự phát triển. Cơ sở kinh doanh TM, DV phát triển rộng khắp, không chỉ tập trung ở đô thị mà hệ thống đại lý, cơ sở bán buôn, bán lẻ còn vươn tới mọi địa bàn dân cư, bảo đảm cung cấp hàng hóa, dịch vụ nhanh chóng, thuận lợi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh TM, DV của tỉnh vẫn còn những mặt hạn chế. Hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại chưa đồng bộ, phân bố chưa đều, tập trung chủ yếu ở các đô thị. Để lĩnh vực TM, DV phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, rất cần thực hiện cải tạo, mở rộng, nâng cấp mạng lưới kết cấu hạ tầng thương mại cả về quy mô và số lượng, đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa và phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Hoạt động thương mại dịch vụ phát triển đa dạng
Theo đánh giá của Sở Công thương, hoạt động TM, DV của tỉnh phát triển khá ổn định, hàng hóa lưu thông thông suốt với chất lượng ngày càng được nâng cao, giá cả hợp lý, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến ngay cả trong những thời điểm đại dịch Covid -19 bùng phát gây khó khăn cho quá trình lưu thông hàng hoá. Thương mại điện tử phát triển nhanh.
Ngành công thương đã nâng cấp Sàn Thương mại điện tử tỉnh Hà Nam, kết nối liên thông sàn thương mại điện tử của tỉnh với các sàn giao dịch thương mại điện tử khác, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trên địa bàn. Hoạt động xúc tiến thương mại được triển khai có hiệu quả, phát huy tốt vai trò là cầu nối giúp doanh nghiệp nghiên cứu thị trường và tìm kiếm khách hàng; đồng thời khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
Năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh đạt trên 31.100 tỷ đồng.
Thành phố Phủ Lý với vai trò là trung tâm kinh tế, chính trị – hành chính của tỉnh, đặt mục tiêu tăng tỷ trọng TM, DV trong cơ cấu kinh tế, phát triển đột phá ngành TM, DV để trở thành trung tâm cấp vùng về y tế, đào tạo nguồn nhân lực và du lịch.
Để thực hiện được mục tiêu đó, thành phố đang tập trung nghiên cứu, đầu tư hệ thống hạ tầng khung, trong đó đặc biệt ưu tiên đầu tư các công trình giao thông kết nối các phân khu chức năng, các khu đô thị… nhằm thu hút đầu tư phát triển lĩnh vực TM, DV, trọng tâm là du lịch và logistics. Toàn thành phố hiện có 18 chợ dân sinh tại các phường, xã. Trong đó, có 1 chợ hạng I, còn lại là các chợ hạng III, thu hút trên 1.800 hộ tham gia kinh doanh, buôn bán với mức thu nhập từ 5 triệu đồng/hộ/tháng.
Hệ thống siêu thị, các cửa hàng bán lẻ cũng đã phủ khắp các địa bàn, bảo đảm đa dạng nguồn cung cấp hàng hóa phục vụ nhân dân trên địa bàn cũng như các vùng lân cận. Nhà hàng, khách sạn phát triển mạnh, đa dạng, bảo đảm đáp ứng nhu cầu ăn uống, lưu trú của người dân cũng như khách du lịch.
Trao đổi về nội dung này, ông Trương Quốc Bảo, Chủ tịch UBND TP Phủ Lý cho biết: Những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, thành phố đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ bản hạ tầng thương mại, khai thác tốt thế mạnh về dịch vụ. Đối với các vị trí phục vụ thu hút đầu tư phát triển TM, DV, đặc biệt là khu vực phường Lam Hạ, Liêm Chính hiện nay đã có một số nhà đầu tư lớn về nghiên cứu đầu tư các công trình siêu thị, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí như: Tập đoàn FLC, Sun Group, BigC… Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành của tỉnh tiếp tục triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư để thu hút phát triển TM, DV trên địa bàn.
Cùng với thương mại truyền thống, thương mại điện tử cũng phát triển khá nhanh tại Hà Nam. Số các doanh nghiệp áp dụng thương mại điện tử, tham gia vào sàn giao dịch thương mại điện tử tăng đáng kể qua các năm. Các ngân hàng, doanh nghiệp bưu chính – viễn thông đã đáp ứng việc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các lĩnh vực y tế, giáo dục, điện, nước, vệ sinh môi trường…
Ông Lê Nguyên Ngọc, Giám đốc Sở Công thương khẳng định: Thời gian qua, số lượng cơ sở cá thể và mạng lưới doanh nghiệp tư nhân kinh doanh trong lĩnh vực TM, DV có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Trong 5 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm, toàn tỉnh tăng thêm gần 300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TM, DV. Số cơ sở kinh doanh cá thể đạt xấp xỉ 37.000 cơ sở, tăng trên 1.000 cơ sở so với năm 2016. Chỉ số thương mại điện tử tỉnh Hà Nam cũng tăng khá nhanh.
Cụ thể, năm 2021, Chỉ số thương mại điện tử của tỉnh đứng thứ 21 trong các tỉnh, thành phố cả nước, tăng 5 bậc so với năm 2019. Trong đó, Chỉ số về nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin xếp thứ hạng cao nhất, đứng thứ 13 trong cả nước; Chỉ số về giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) đứng thứ 31; Chỉ số về giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) đứng thứ 22.
Còn nhiều khó khăn và hạn chế đối với nghành thương mại dịch vụ
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định song lĩnh vực TM, DV của Hà Nam vẫn còn một số mặt hạn chế, tồn tại. TM, DV phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế còn thấp, chiếm chưa đến 30% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Nhìn vào thực tế phát triển TM, DV những năm gần đây có thể thấy, các ngành dịch vụ tuy có sự phát triển đáng kể về quy mô, đa dạng hóa loại hình hoạt động nhưng giá trị gia tăng chưa cao.
Cụ thể, giá trị gia tăng của các ngành dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong 10 năm trở lại đây tăng trưởng bình quân 12,7%/năm, dù cao hơn mức bình quân cả nước là 12,63% nhưng lại thấp hơn Vùng đồng bằng sông Hồng là 13,16%/năm. Mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên một người dân của Hà Nam vẫn còn thấp so với các tỉnh Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Năm 2010, mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng/1 người dân của Hà Nam chỉ đạt 7,3 triệu đồng trong khi của Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước lần lượt đạt 18,3 và 19,3 triệu đồng. Đến các năm 2015 và 2020, chỉ tiêu trên của Hà Nam lần lượt đạt 17,5 và 29,6 triệu đồng, còn của Vùng đồng bằng sông Hồng lần lượt đạt 34,6 và 49,3 triệu đồng, của cả nước là 35,1 và 51 triệu đồng. Như vậy cho thấy, xếp hạng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng/1 người dân của tỉnh Hà Nam trong Vùng đồng bằng sông Hồng đạt khá thấp.
Hạ tầng thương mại của tỉnh mặc dù đã được quan tâm đầu tư nâng cấp, xây dựng mới nhưng đến nay, cơ sở vật chất của của mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Trừ chợ quy mô hạng I (chợ Bầu – TP Phủ Lý) và một số chợ hạng II được xây dựng kiên cố và bán kiên cố, còn lại phần lớn các chợ hạng III tại các xã, phường do thời gian xây dựng khá lâu nên cơ sở vật chất đã xuống cấp, chưa đáp ứng yêu cầu của hoạt động mua bán. Số siêu thị, trung tâm thương mại tuy có sự gia tăng nhưng vẫn thấp so với Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Theo thống kê, số siêu thị, trung tâm thương mại trên 100.000 dân của Hà Nam là 1,16, thấp hơn trung bình của Vùng đồng bằng sông Hồng là 1,65 và cả nước là 1,45. Việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh cũng chưa đồng bộ, phân bố chưa đều, tập trung chủ yếu ở các đô thị.
Nói về vấn đề này, ông Phan Thanh Sơn, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương cho biết: Những năm qua, lĩnh vực TM, DV của Hà Nam phát triển chưa đạt như kỳ vọng còn do chính sách cắt giảm đầu tư công dẫn đến nguồn lực đầu tư phát triển ngày càng hạn hẹp, công tác thu hút các nguồn lực tư nhân đầu tư cho kết cấu hạ tầng TM, DV chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất kinh doanh, DV, TM và công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài của tỉnh, nhất là với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)…
Đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại gắn liền với không gian phát triển đô thị
Tỉnh Hà Nam xác định, phát triển thương mại một cách đồng bộ, tương xứng với tiềm năng và khai thác tối đa lợi thế so sánh của tỉnh, trong đó, thương mại điện tử trở thành hình thức thương mại phổ biến và hiệu quả giúp đưa các sản phẩm du lịch, công nghiệp của tỉnh tới các địa phương và khách hàng trong và ngoài nước.
Về mạng lưới chợ, đến năm 2030, tỉnh giữ nguyên 1 chợ hạng I, nâng cấp từ 3 lên 6 chợ hạng II, gồm: chợ Hòa Mạc (phường Hòa Mạc, Duy Tiên), chợ Quế (thị trấn Quế, Kim Bảng), chợ Non (thị trấn Tân Thanh, Thanh Liêm), chợ Bình Mỹ (thị trấn Bình Mỹ, Bình Lục), chợ Vĩnh Trụ (thị trấn Vĩnh Trụ, Lý Nhân), chợ Ba Sao (thị trấn Ba Sao, Kim Bảng); hình thành 2 chợ đầu mối Liêm Tiết và Bối Cầu. Cùng với đó, tập trung phát triển hệ thống các siêu thị và trung tâm thương mại tại các đô thị trung tâm như TP Phủ Lý, thị xã Duy Tiên và các đô thị, thị trấn các huyện với quy mô nhỏ (chủ yếu là hạng III) gắn với các cửa hàng, khu mua sắm, tuyến phố thương mại; xây dựng mới 1 trung tâm hội chợ triển lãm tại TP Phủ Lý với quy mô khoảng 1,5 ha; xây dựng mới 1 trung tâm logistics (cảng cạn ICD, thị xã Duy Tiên).
Với quan điểm, phát triển thương mại điện tử trở thành hình thức thương mại phổ biến và hiệu quả để đến năm 2030, Hà Nam sẽ nằm trong top 20 tỉnh có xếp hạng chỉ số thương mại điện tử cao của cả nước, thời gian tới, Hà Nam sẽ đẩy mạnh phát triển hệ thống dịch vụ công, cải cách hành chính theo hướng hiện đại. Phấn đấu đến năm 2030, trên 65% dân số tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị mua hàng trực tuyến đạt trung bình trên 1.000 USD/người/năm; trên 80% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, cập nhật thường xuyên thông tin giới thiệu và bán sản phẩm của doanh nghiệp; 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng thông qua các ứng dụng thương mại điện tử, mạng xã hội; 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán (POS) và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; 100% website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử; trên 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ, 60% các hộ kinh doanh cá thể tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử; trên 60% hộ gia đình sử dụng nền tảng số để kinh doanh; trên 70% doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử trên các ứng dụng di động; 100% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng…
Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh Hà Nam sẽ tập trung đầu tư phát triển hạ tầng thương mại gắn liền với không gian phát triển đô thị của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển TM, DV. Định hướng đến năm 2030, hệ thống đô thị tỉnh Hà Nam sẽ phát triển theo hướng: TP Phủ Lý đáp ứng các tiêu chí là đô thị loại I; thị xã Duy Tiên đáp ứng các tiêu chí là đô thị loại III; thành lập thị xã Kim Bảng đáp ứng các tiêu chí là đô thị loại IV; huyện Thanh Liêm với thị trấn Tân Thanh, thị trấn Kiện Khê, đô thị Phố Cà đáp ứng các tiêu chí là đô thị loại IV; huyện Lý Nhân với thị trấn Vĩnh Trụ, đô thị Hòa Hậu, đô thị Nhân Mỹ, đô thị Thái Hà đáp ứng các tiêu chí là đô thị loại IV; huyện Bình Lục với thị trấn Bình Mỹ đáp ứng các tiêu chí là đô thị loại IV và đô thị Ba Hàng (xã Tiêu Động), đô thị Đô Hai (xã An Lão), đô thị Chợ Sông (xã Tràng An) đáp ứng các tiêu chí là đô thị loại V. Ngoài ra, tại mỗi huyện, mỗi đô thị cũng được quy hoạch các trung tâm thương mại quy mô vừa và nhỏ để phục vụ nhu cầu của người dân trong khu vực, đồng thời thúc đẩy du lịch, dịch vụ, sản xuất phát triển.
Cụ thể, đến năm 2030, TP Phủ Lý phấn đấu nâng cấp, cải tạo 6 chợ dân sinh; xây dựng mới 1 chợ đầu mối Liêm Tiết, 1 trung tâm hội chợ triển lãm với quy mô khoảng 1,5 ha; phát triển thêm 1 trung tâm thương mại và 2 siêu thị loại III. Thị xã Duy Tiên đẩy mạnh phát triển khu trung tâm TM, DV gắn với tuyến tránh quốc lộ 38; nâng cấp, cải tạo các chợ hạng II; xây mới 3 chợ dân sinh, 1 trung tâm thương mại, 1 siêu thị tổng hợp, 1 trung tâm logistics (cảng cạn ICD). Huyện Kim Bảng thực hiện nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới hạ tầng các chợ trên địa bàn; xây mới và phát triển hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tương ứng với hệ thống đô thị trên địa bàn huyện. Huyện Thanh Liêm nâng cấp, cải tạo các chợ hạng III, nâng cấp 2 chợ hạng III lên chợ hạng II; xây mới và phát triển hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại. Huyện Bình Lục nâng cấp, cải tạo các chợ hạng III, nâng cấp 1 chợ hạng III lên chợ hạng II. Huyện Lý Nhân đầu tư phát triển các chợ đầu mối; mở rộng, nâng cấp các chợ nông thôn; nâng cấp, cải tạo các chợ hạng II, hạng III, nâng cấp 1 chợ hạng III lên chợ hạng II; phát triển các trung tâm thương mại tại thị trấn Vĩnh Trụ, các thị trấn đã được quy hoạch…
Phát triển hạ tầng thương mại gắn liền với không gian đô thị sẽ góp phần tăng sức hút đầu tư vào lĩnh vực TM, DV. Từ đó, bảo đảm cung ứng đầy đủ các mặt hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, đời sống nhân dân, ổn định giá cả thị trường, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Bất động sản Hà Nam được hưởng lợi từ quy hoạch mở rộng thành phố theo định hướng quy hoạch chung, thành phố Phủ Lý là đô thị loại I và đến năm 2030 thành phố sẽ mở rộng thêm nhiều trung tâm đô thị mới. Chính vì vậy, nhiều khu đô thị đã và đang đầu tư đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người dân và thị trường bất động sản tại đây sẽ sôi động trở lại.
Hiện nay, thị trường Hà Nam nói chung và Huyện Thanh Liêm nói riêng đang sôi động ở 2 phân khúc bất động sản : đất nền và công nghiệp. Bên cạnh đó, các phân khúc khác như: biệt thự, shophouse cũng tạo được tiếng vang lớn như dự án: KĐT TNR Stars Đồng Văn, KĐT River Silk City Hà Nam, KĐT bờ đông Sông Đáy, Khu dân cư Lam Hạ Center Point Hà Nam. Và đặc biệt tại Thanh Liêm nổi lên như cồn với các dự án : Khu đô thị Thanh Hà 1-2, KĐT Hà Phương 3, KĐT Hưng Hoà, ….
Bất Động Sản Công Nghiệp đều được chú trọng và đẩy mạnh tại Hà Nam với các khu Công nghiệp lớn như : KCN Đồng Văn 1 (221ha) , KCN Đồng Văn 2 (322ha), KCN Đồng Văn 4 (600ha), KCN Châu Sơn (376ha), KCN Thanh Liêm (293ha), KCN Itahan(300ha), Cụm CN Nam Châu Sơn (377ha).