QUY TRÌNH ĐỂ MUA ĐƯỢC NHÀ Ở XÃ HỘI TỪ A-Z MỚI NHẤT

 

Nếu bạn là người mới, chưa biết gì về Nhà ở Xã hội, hãy đọc bài này trước tiên để nắm rõ những ưu điểm của Nhà ở Xã hội: Phân biệt Nhà ở xã hội và Nhà ở thương mại giá rẻ.

Nếu đã biết về Nhà ở Xã hội thì tôi không dài dòng nữa, hãy vào bài luôn.

Để có thể mua được căn nhà ở Xã hội đúng như ý muốn, bạn cần có thời gian chuẩn bị ít nhất tối thiểu 1 năm. Đúng vậy, 1 năm đó bạn tôi, thậm chí còn phải chuẩn bị sớm hơn nữa, nếu muốn mua được những căn nhà ở xã hội tốt. Bản thân tôi từ năm 2016 cũng đã bắt đầu nghiên cứu, tìm hiểu các cách thức để có thể mua được Nhà ở xã hội, khi đó còn chưa có đồng xu dính túi.

Trong một bài viết này, bằng tất cả những kinh nghiệm mà tôi có, tôi sẽ cố gắng hết sức để viết ngắn gọn, trình tự và đơn giản nhất có thể để tất cả bà con có thể dễ dàng hiểu ra.

Quy trình mua nhà ở xã hội
Quy trình mua nhà ở xã hội

BƯỚC 1. ĐẶT RA MỤC TIÊU CỤ THỂ

Đừng đưa ra những mục tiêu chung chung và mơ hồ, nếu bà con muốn mua được nhà, hãy đặt một mục tiêu rõ ràng và cụ thể, có thời gian và giá trị ngôi nhà bạn muốn mua thật là rõ ràng, lưu ý tôi xin nhấn mạnh từ thật là rõ ràng. Ví dụ bạn có 100 triệu, và muốn có nhà vào năm tới đây, hãy viết thật cụ thể mục tiêu của bạn vào tháng nào của năm tới bạn sẽ mua một căn nhà bao nhiêu phòng ngủ, trị giá bao nhiêu tiền. Mục tiêu càng rõ ràng bạn càng có hướng để phấn đấu thực hiện, ngược lại nếu chỉ ngồi mơ, ngồi bàn một cách sáo rỗng, nói chung chung rồi bỏ đó, bạn sẽ chẳng bao giờ thực hiện được.

Tại vì sao tôi lại cho rằng việc phải đặt ra mục tiêu cụ thể ở vị trí đầu tiên, rất đơn giản bởi vì nó là điều quan trọng nhất, không có mục tiêu thì bạn cũng không có một lý do để bắt buộc bạn vượt qua lười biếng và trở ngại để thực hiện. Rất nhiều người đã hỏi tôi, tìm đến tôi để tư vấn, nhưng vấn đề của họ là họ không đặt ra một mục tiêu rõ ràng, mà chỉ đơn thuần là có nhu cầu nhà ở (điều này thì ai cũng có), do vậy hết năm này qua năm khác, họ vẫn chưa mua được nhà, vẫn chưa biết chọn nhà nào, thậm chí còn chưa làm đủ được bộ hồ sơ để mua Nhà ở Xã hội… Những câu hỏi của họ thường là: “Dự án A có được không bạn, dự án B có nên mua không? Mình muốn mua nhà thì theo bạn mua ở đâu được? Ở quận X có nhà nào được không? Em muốn hỏi về dự án XYZ…v..v… Nên nhớ, những câu hỏi chung chung như này sẽ không đưa bạn đi đến đâu, nó chỉ chứng tỏ rằng bạn là một người hời hợt và thiếu trách nhiệm với bản thân mình, bạn cũng thiếu tôn trọng và phung phí thời gian của chính tôi, người đang giúp đỡ bạn một cách phi lợi nhuận.

Hãy đặt mục tiêu cụ thể và rõ ràng, trước khi bắt tay vào bước tiếp theo, nhớ nhé bạn tôi.

BƯỚC 2. CHUẨN BỊ SẴN SÀNG BỘ HỒ SƠ MUA NHÀ Ở XÃ HỘI THẬT ĐẦY ĐỦ, CẨN THẬN

Nhiều bà con sai lầm ở bước này, đợi đến khi tìm được căn nhà ưng ý mới bắt đầu làm hồ sơ, trong khi đó nhiều giấy tờ yêu cầu phải chuẩn bị trước ít nhất 1 năm.

Tùy từng Chủ đầu tư họ sẽ có yêu cầu cụ thể về các giầy tờ, thành phần hồ sơ cần chuẩn bị, tuy nhiên về cơ bản thì giống nhau, tôi đã soạn sẵn bài này: Thủ tục và giấy tờ cần chuẩn bị để mua Nhà ở Xã hội

Trong thành phần này có 2 loại giấy tờ mà tôi lưu ý bà con cần phải chuẩn bị trước, tối thiểu là 1 năm: thứ nhất là KT3 hoặc sổ hộ khẩu Hà Nội, một trong 2 cái này, có cái này thì thôi cái kia. Trong 2 loại giấy này nếu bà con làm được hộ khẩu HN là tốt nhất, vì sẽ giúp bà con giảm được một số giấy tờ khác. Còn nếu làm KT3, bà con bắt buộc phải đóng bảo hiểm xã hội trên 1 năm, do đó nếu xác định mua Nhà ở xã hội trong thời gian sắp tới, bà con cũng nên xin Giấy xác nhận của bảo hiểm xã hội về việc đóng bảo hiểm đều bà con nhé. Nơi xin là Bảo hiểm quận nơi bà con đóng, mẫu giấy khai thì đến đây họ sẽ cấp cho bà con khai, thời gian hoàn thành là khoảng 7-15 ngày.

Các loại giấy tờ còn lại thì dễ hơn, bà con chuẩn bị và khai sẵn dễ dàng. Hãy đợi đến bước 4 để biết cách làm Giấy tờ, Thủ tục vay nữa bà con nhé.

BƯỚC 3. BẮT ĐẦU TÌM HIỂU NHỮNG DỰ ÁN NHÀ Ở XÃ HỘI

Sau khi đã chuẩn bị xong xuôi hết các loại giấy tờ, bà con hãy bắt đầu tìm hiểu những dự án Nhà ở hiện đang có trên trang web của Sở xây dựng hoặc có thể theo dõi cập nhật thường xuyên trên Group Thông tin về Nhà ở Xã hội và Chung cư ở Hà Nội – một trong những Group phi lợi nhuận, hỗ trợ cộng đồng uy tín nhất Việt Nam hiện nay. 

Sau khi nắm được một số dự án phù hợp với vị trí mong muốn rồi, bà con hãy đánh giá và so sánh những dự án này với nhau, tìm hiểu kỹ về Chủ đầu tư, về Dự án, về vốn vay… Tôi đã soạn sẵn công cụ, chiếc cần câu kéo-dài-thu-ngắn để bà con có thể tự gắn trường hợp của mình vào, ở bài: Kinh nghiệm chọn mua căn hộ chung cư như ý. 


Khi đã cân nhắc, so sánh, dựa trên những mục tiêu cụ thể mà bà con đề ra cộng với mức độ khả thi thực tế. Tiếp tục, sẽ có 2 trường hợp xảy ra:

– Trường hợp 1: đã đủ tài chính (trường hợp này thì coi như oke một bước rồi, hãy bỏ qua bước 4 và tiếp tục xem bước 5).
– Trường hợp 2: chưa đủ tài chính, cần phải có phương án vay hoặc nợ. (trường hợp này bà con hãy theo dõi tiếp bước 4 dưới đây).

BƯỚC 4. LÊN KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH ĐỂ VAY VÀ TRẢ NỢ

Một kinh nghiệm xương máu của chính bản thân, tôi sẽ chỉ để bà con tránh không vướng phải giống như tôi: Hãy giữ tinh thần bình tĩnh, đừng lao vào một phương án tài chính vượt quá sức của bạn.” Tôi hiểu rằng chúng ta đều muốn an cư lập nghiệp, đều muốn có một căn nhà “ngon lành” ngay, nhưng hãy xác định một phương án phải khả thi và thật vừa với sức mình.
Nếu bạn là đôi vợ chồng trẻ có mức thu nhập khá và đều thì hãy xác định phương án vay trong khoảng 5 năm, mỗi tháng mức trả nợ chỉ chiếm 40% tổng thu nhập của vợ chồng bạn là ổn, nếu có em bé thì cần tính khác, cẩn trọng hơn. Còn nếu độc thân, như tôi, bạn lại phải cần có thêm một kế hoạch khác, một kế hoạch để nâng cấp bản thân từng ngày, bởi vì việc một mình lo liệu, xoay sở rất cô độc và mệt mỏi đó, bạn tôi!

Nếu bạn chọn phải căn nhà bé và thiết kế bất hợp lý nhưng lại hợp túi tiền, thì hãy cân nhắc điều đó, đôi khi thứ người khác chê, nếu biết cách chế biến lại trở thành một món ăn ngon lành. 
Đây là chuyên môn của tôi, nếu cần, bạn hãy hỏi tôi ở email này: kdt1811@gmail.com. Tôi có thể sẽ cho bạn lời khuyên ít nhiều, thứ này tôi tự tin, bởi vì Thiết kế – Xây dựng là công việc chính tôi đang làm mỗi ngày.

Tôi sẽ không chia sẻ nhiều về các hình thức để bà con vay và sở hữu Bất động sản với mức tài chính thấp ở đây nữa, bởi vì tôi đã viết rất chi tiết ở trong bài viết sau: Một số cách để vay mua Nhà ở xã hội với mức tài chính thấp chỉ 400 triệu. 

BƯỚC 5. NỘP HỒ SƠ RẢI NHỮNG DỰ ÁN LỰA ĐÃ LỰA CHỌN

Từ 4 bước ở trên, bà con hãy lựa chọn ra 1 đến 2 dự án để nộp hồ sơ. 

Khi nộp hồ sơ bà con cần lưu ý chính xác những điều sau:

– Đến đúng nơi (đúng văn phòng chủ đầu tư)
– Nộp đúng người (nộp đúng cho chuyên viên tiếp nhận hồ sơ của chủ đầu tư)
– Hỏi đúng chỗ (hỏi chủ đầu tư hoặc vào Group để tôi và mọi người cùng hỗ trợ, thảo luận)

Ngoài ra, hãy tham khảo thêm một số lưu ý sau đây: 6 lưu ý quan trọng khi mua Nhà ở Xã hội.

Sau khi nộp hồ sơ, có thể hồ sơ sẽ cần bổ sung hoặc chỉnh sửa, bà con hãy hỏi kỹ một lần và về hoàn thành cẩn thận, tránh việc phải đi lại nhiều lần.

Hồ sơ sau khi nộp xong xuôi rồi bà con hãy chờ đợi để bốc thăm, hoặc thông tin ký hợp đồng nhé.

Lưu ý sẽ có 1 trong 2 trường hợp sau xảy ra:

– Trường hợp 1: Cung bé hơn Cầu: Nếu dự án ở vị trí đẹp, lại có quỹ căn thấp, tất nhiên sẽ có sự cạnh tranh rất lớn, bà con phải xếp điểm từ trên xuống dưới hoặc bốc thăm. Với trường hợp này, bà con nên chuẩn bị thêm cho mình một bộ hồ sơ thật đẹp, điểm cao, ưu tiên: ví dụ như: công viên chức nhà nước, công an, quân đội, giáo viên, hộ có công với cách mạng…

– Trường hợp 2: Cung lớn hơn Cầu: Những dự án ở khu vực ngoài thành, xung quanh hạ tầng chưa lên nhiều, số quỹ căn lớn, lẽ dĩ nhiên sẽ có thể mua dễ dàng hơn, với những dự án này bà con có thể yên tâm khả năng mua được đến 95%.

Trong trường hợp, bà con gặp phải dự án cạnh tranh cao, bốc thăm trượt, cũng đừng buồn, thua keo này ta lại bày keo khác, bà con đã làm hết sức rồi!

Năm 2016, sau khi chuẩn bị kiến thức trong 2 năm trời và 1 tháng trước khi hết hạn nộp hồ sơ, tôi xoay như chong chóng, tìm đủ mọi cách để làm, để sửa, để chỉnh được hồ sơ, vô vàn khó khăn mà không có một ai chỉ hay cho lời khuyên, trên internet cũng chẳng có mấy bài viết, cũng không có ai hướng dẫn tôi như tôi đang hướng dẫn bà con bây giờ, điều duy nhất tôi có là Niềm tin (giống câu nói vui thời đó mọi người xung quanh tôi hay nói: Làm bằng Niềm tin à? Đúng có mỗi Niềm tin thôi 😀). Rồi tôi nộp Dự án Nhà ở xã hội đầu tiên ở 622 Minh Khai (cạnh Times city), tỷ lệ cạnh tranh là 1/15, hơn cả thi Đại học, do đó bắt buộc phải xét điểm đậu rồi cho bốc thăm. Trước lúc bốc thăm, tôi lần mò đến Đình làng Vĩnh Tuy và Đền thờ Mẫu đất để khấn xin bốc trúng – đó là lần đầu tiên tôi khấn xin xỏ Thần Phật một thứ vật chất, và cuối cùng kết quả vẫn bốc trượt nhăn răng, buồn mất hơn tuần. Nhưng không sao, đó là bước đi Ông Trời dành cho chúng ta, những cơ hội tốt đẹp hơn sẽ đợi bà con ở phía trước.

Tôi sẽ viết một bài chia sẻ với bà con quá trình làm hồ sơ mua Nhà ở Xã hội 622 Minh Khai này, bà con sẽ thấy nó gian nan thế nào khi lờ mờ tự đi dò đường, để bà con có thêm kinh nghiệm và tiết kiệm được công sức và tiền bạc bà con nhé. Tin tôi đi NOXH này khó gấp nhiều lần những NOXH bà con đang nộp mua bây giờ.

Bài cũng đã khá dài rồi, với những kinh nghiệm trên bà con sẽ mất kha khá thời gian để đọc hết. Mạnh Cường sẽ kết thúc ở đây và tiếp tục chia sẻ với bà con mọi thứ về Nhà ở Xã hộicác kinh nghiệm làm Thủ tục hành chính, kinh nghiệm Khởi nghiệp ở những bài viết tới.

Danh sách các dự án nhà ở xã hội được mở bán mới nhất năm 2023: https://manhcuongbds.com/nha-o-xa-hoi-tai-ha-noi-nam-2023/
 
5/5 - (1 bình chọn)